Vệ sinh vùng kín cho bé gái như thế nào để đúng cách
Đối với bé gái, bộ phận sinh dục tương đối lộ và dễ bị ẩm ướt, nhiễm bẩn, việc vệ sinh, làm sạch không “đơn giản” như bé trai.
Hoang mang tìm cách vệ sinh đúng cách vùng kín cho con
Bé đầu nhà chị Thu Hằng (Hàng Mành, Hà Nội) là bé trai thế nên sau khi sinh hạ nàng công chúa Tisu trắng trẻo, dễ thương, chị cũng lo lắng về việc “chăm bé trai thì nhàn tênh, hơn hẳn chăm bé gái”.
Và sự nhàn tênh kia được bộc lộ rõ nhất qua việc vệ sinh vùng kín của con. “Chăm thằng lớn dễ bao nhiêu thì nàng này phức tạp bấy nhiêu. Mình rất băn khoăn không biết cách rửa, vệ sinh sạch sẽ vùng kín cho con như thế nào”, chị nói.
Lên mạng vào diễn đàn chia sẻ tâm sự này, chị cũng gặp được rất nhiều sự thông cảm, đồng cảnh của nhiều gia đình khác.
Đối với bé gái, bộ phận sinh dục tương đối lộ và dễ bị ẩm ướt, nhiểm bẩn, việc vệ sinh, làm sạch không “đơn giản” như bé trai, vì thế nên việc chăm sóc và giữ gìn bộ phận này lại càng cần phải chú ý và cẩn thận hơn ngay từ thời kỳ bé mới sinh.
Khô thoáng và sạch sẽ
Chị Dương Thanh (Quận 7, TP HCM) là một bà mẹ chăm con rất mát tay, chị sinh đôi hai nàng công chúa và một bé trai thế nên chị rất tự hào về kiến thức, khả năng chăm sóc con cái của mình.
Chị chia sẻ: “Ban đầu mình cũng lơ ngơ như bò đeo nơ, nhất là khi một lúc, một nách chăm 2 nàng sinh đôi. Nhưng nhờ vài lần mời bác sĩ đến tắm cho con, thăm khám con, họ đã chỉ bảo cách thức và rồi ‘hay làm tay quen’ nên mình dần cũng thành thạo trong việc vệ sinh vùng kín cho con”.
Chị chia sẻ hai nguyên tắc quan trọng trong việc chăm sóc và vệ sinh vùng kín cho bé gái đó là phải thật khô thoáng và sạch sẽ. Hàng ngày, chị thường vệ sinh cho con 3 lần, mỗi lần trong vài phút.
Trước khi vệ sinh cho con, chị cũng phải chuẩn bị một vài thứ cơ bản (như lúc mát-xa cho con vậy): phòng kín gió, thoáng, vải sạch, quần áo sạch, nước ấm.
Ban đầu đặt con nằm ngửa trên tấm vải khô, sạch, mềm, sau đó chị dùng khăn mềm đã được làm ẩm bằng nước ấm, lau nhẹ nhàng vùng kín của con theo hướng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, nhưng tuyệt đối không được lau sâu vào bên trong.
Sau đó chị nhẹ nhàng lau xung quanh vùng xương mu và vùng bụng dưới rốn. Tiếp theo, chị lấy khăn ướt khác lau sạch hai bên bẹn, hậu môn và xung quanh mông các con. Chú ý lau từ trước ra sau để tránh dây bẩn từ hậu môn vào vùng kín của con.
Và kết quả mang lại, hai bé nhà chị rất khỏe mạnh, sạch sẽ. Ý kiến chia sẻ của mẹ Dương Thanh được rất nhiều chị em trên diễn đàn đồng tình ủng hộ.
Thay quần, tã thường xuyên cho con
Chị Thiếu Hoa (Đường Bưởi, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm của mình rằng, chị thường vệ sinh vùng kín cho con ngay sau khi con ngủ dậy, thay bỉm, sau mỗi lần bé đi ị.
Nhiều chị em nói rằng rửa cho con bằng nước chè xanh, xà phòng, nước muối, rồi mạnh tay hơn là bằng những cách xối nước, chị Hoa chia sẻ rằng không cần thiết phải làm vậy, dung dịch tốt nhất nên rửa cho con chính là nước ấm.
Sau khi rửa xong cho con nên lau khô để tránh vùng kín bị ẩm ướt, dễ dẫn đến nhiễm nấm và các bệnh nhiễm trùng khác.
Luôn chú ý giúp con thay đổi quần, tã thường xuyên. Tuyệt đối không đóng bỉm cho con quá lâu trong 4-6 giờ/ ngày vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng vùng kín cho con.
Và điều cuối cùng chị nhấn mạnh, nếu chị em nhận thấy vùng kín của bé có bất cứ sự thay đổi bất thường nào như ngứa ngáy, màu lạ xuất hiện, bất chợt có dịch tiết âm đạo hoặc vùng kín bốc mùi… thì hãy nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ thăm khám ngay lập tức. Đây có thể là những dấu hiệu của nhiễm trùng vùng kín cần được điều trị kịp thời.
Theo Afamily
Leave a Reply