Chỉ cách điều trị bệnh nấm họng thanh quản
Nấm men là ký sinh trùng thực vật đối với cơ thể người. Nấm là thực vật hoại sinh không có sắc tố đồng hóa. Mỗi trạng thái hoại sinh đều có hình thái khác nhau: sợi nấm hoặc dạng men (levures). Men gồm có men sợi như candida albicans và men nụ như cryptococcus neoformans.
Nấm họng có thể dự phòng
Đa số nấm là ký sinh trùng cơ hội, gây bệnh khi cơ thể sử dụng kháng sinh hoặc corticoid kéo dài làm rối loạn cân bằng giữa vi khuẩn chí và nấm hoại sinh, khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS) hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài sau ghép tạng.
Khi nấm xâm nhập vào cơ thể, ký sinh tại các niêm mạc, tổ chức ở vùng miệng họng, ống tiêu hóa, cơ quan sinh dục gây tổn thương tại chỗ niêm mạc như loét, phồng và là cơ hội cho các vi khuẩn khác kết hợp gây nên hiện tượng làm mủ. Triệu chứng tổn thương vùng họng thanh quản (gây tưa lưỡi ở trẻ em, giả mạc ở dây thanh, tổ chức amidan) gây viêm họng, đau, khàn tiếng, nói hụt hơi, nhanh mệt kèm theo khạc đờm dính quánh, mùi hôi. Quá trình điều trị bằng các loại kháng sinh kém hiệu quả, không đỡ nên bệnh nhân thường ho dai dẳng kéo dài hằng tháng, dùng các thuốc giảm ho không hiệu quả.
Khám lâm sàng vùng họng thanh quản cho thấy giả mạc vùng thanh quản dây thanh, rêu lưỡi dày bẩn, các xét nghiệm thông thường ít hiệu quả.
Để chẩn đoán chính xác nên xét nghiệm lấy bệnh phẩm dịch họng soi tươi tìm nấm hoặc cấy nấm tìm chủng loại nấm. Hiện nay tỷ lệ nhiễm nấm sợi candida albicans ở vùng miệng họng thường chiếm 30%-50% hoặc nhiễm nấm aspergillus 50%-75% (Mc Whireg, 1993).
Vấn đề điều trị: Cần xét nghiệm tìm chủng loại nấm để chỉ định điều trị với từng loại kháng sinh chống nấm cho phù hợp. Đối với chủng nấm candida albicans hiện nay sử dụng nizoral, nystatin vẫn có kết quả tốt. Nếu không đạt hiệu quả, có thể dùng diflucan (fluconazol) rất tốt nhưng giá thành cao. Đối với nấm aspergillus có thể dùng itraconazol (imidazol). Đồng thời kết hợp các thuốc giảm phù nề, kháng viêm như strase, alpha choay, danzen… và dung dịch súc miệng betadin.
Việc dự phòng nhiễm nấm vùng họng thanh quản
Khi bị viêm họng cần được thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa, không nên tùy tiện dùng thuốc kháng sinh kéo dài. Vì viêm họng thường do tạp khuẩn (vi khuẩn các loại, virut), nếu lạm dụng kháng sinh dễ gây nên việc kháng thuốc của các vi khuẩn và virut. Mặt khác sử dụng kháng sinh và corticoid kéo dài gây nên thay đổi cân bằng vi khuẩn chí, đó là điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển ở vùng họng. Mặt khác trong quá trình thăm khám tai mũi họng cần tiệt trùng dụng cụ không để lây chéo do dụng cụ. Trong sinh hoạt cần cách ly, chậu rửa mặt, ca cốc đánh răng, tránh hôn nhau qua miệng dễ lây nhiễm bệnh.
Theo Suckhoedoisong
Leave a Reply