Món ăn bài thuốc bổ dưỡng tuyệt vời từ cua đồng
Cua đồng là món ăn bổ dưỡng, dân giã ở các vùng quê và thành thị nước ta với món canh cua: món canh giải nhiệt, kích thích ăn uống, dễ tiêu hóa, phù hợp với những ngày hè oi nóng.
Cua đồng có tên khoa học Somaniathelphusia sinensis, phân bố rộng ở vùng nước ngọt, từ đồng bằng, trung du, miền núi nước ta. Độ pH thích hợp từ 5,6 – 8, nhiệt độ từ 10 – 31oC, tốt nhất là 15 – 25oC, lượng oxy hòa tan thấp nhất là 2mg/l. Cua đồng là động vật sống đáy, ưa nước sạch, đào hang thích nghi với bùn sét, bùn cát. Chúng sinh sản quanh năm nếu môi trường thuận lợi, tập trung vào mùa xuân, mùa hè, mùa thu.
Đông y sử dụng cua đồng làm thuốc với tên là điền giải và cho rằng cua đồng có vị mặn, tính hàn, hơi độc, có tác dụng sinh phong liền gân nối xương; dùng trị nhiệt tà, bạt độc, trừ ghẻ lở và máu kết cục…
Loài cua đồng mà Đông y thường dùng làm thuốc bao gồm các họ như Potamidae, Graspidae, Parathelphusidae. Tại Việt Nam, thường gặp nhất là cua đồng có tên khoa học Somanniathelphusa sinensis sinensis H.Milne – Edwards thuộc họ Parathelphusidae.
Về dược tính theo Lĩnh nam bản thảo, Hải Thượng Lãn Ông ghi: “Điền giải là tên gọi cua đồng. Ngọt lạnh, ít độc hay sinh phong. Nối gân, tiếp xương, chữa phong nhiệt. Trừ mụn độc lở, huyết kết thông”. Sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh cũng nói: “Điền giải có vị mặn, mùi tanh, tính hàn, hơi độc, tác dụng liền gân, nối xương, trị nhiệt tả, ngộ độc, máu kết cục, lở ghẻ”. Sách Dược tính chỉ nam của ông lại ghi: “Điền giải có tác dụng tán tà nhiệt trong lồng ngực, thông được kinh mạch, làm cho ngũ tạng khỏi buồn phiền, giải được độc do thức ăn, liền được gân, thêm sức cho xương, bổ ích khí lực, tống được các vật kết đọng trong người, phá được chứng ứ huyết do vấp ngã hoặc bị đánh chấn thương, sốt rét”…
Dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc trong Đông y thường sử dụng.
Giải nhiệt mùa hè, trị lở ngứa: cua đồng 200g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước; mướp hương 1 – 2 trái cạo vỏ, rửa sạch, cắt miếng; rau đay và mồng tơi tươi mỗi thứ 100g rửa sạch, cắt đoạn. Đun sôi nước cua và cho các loại rau vào, đến khi mướp chín là được.
Chữa trẻ nhỏ còi xương, chậm biết đi: theo kinh nghiệm dân gian, để trẻ nhỏ cứng cáp, nhanh biết đi, người ta dùng cua đồng làm sạch, bỏ chân, càng, mai, yếm, chỉ lấy mình cua, rang nhỏ lửa cho vàng và khô. Giã nhỏ, rây lấy bột mịn. Hàng ngày, dùng bột cua quấy với bột gạo cho trẻ ăn, mỗi lần 1 – 2 thìa nhỏ). Cách làm: lấy cua đồng làm sạch, bỏ chân, càng, mai, yếm, rang nhỏ lửa chovàng và khô, tán bột. Dùng 15g – 20g khuấy với bột gạo, cho trẻ ăn trong ngày. Kết hợp cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng 15 phút, 2 – 3 lần/tuần.
Chữa vết thương đụng dập, lở loét: cua đồng 2 con giã nát, rượu 1 chén, cho vào nồi đun sôi, gạn lấy nước uống, bã đắp vào chỗ đau.
Chữa tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ: rau nhút 1 – 2 nắm bỏ rễ, cạo bỏ phần bấc, ngắt đoạn, rửa sạch; khoai sọ 300 – 400g cạo vỏ, xắt nhỏ; cua đồng 200g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, gạn lấy nước. Cho khoai sọ vào nước cua nấu chín, khi gần chín, cho rau nhút vào, đun sôi tiếp 5 – 10 phút. Ăn trong ngày, cần ăn 2 – 3 ngày.
Trị viêm thận cấp: cua đồng 250g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước; vỏ cây dâu 50g rửa sạch, cắt đoạn. Đem tất cả nấu thành canh, uống nước.
Trị trướng bụng, chứng phù tim: cua đồng tươi nấu cháo, ăn nóng.
Chữa sưng tấy: mai cua 10g sao vàng, vảy tê tê 10g sao phồng rộp; gai bồ kết 10g phơi sấy khô. Tất cả tán bột, uống với rượu.
Đau răng đau lợi do vị nhiệt: cua đồng nấu với mướp đắng, ăn hàng ngày. Đồng thời dùng phương thuốc: hoàng cầm 10g, chi tử 10g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, đinh lăng 16g, bồ công anh 16g, chân cua đồng (sao vàng) 20g, cam thảo 10g, bạch thược 12g, bạch mao căn 16g, khổ qua 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần.
Tuy nhiên không phải ai cũng ăn cua đồng được. Các đối tượng không sử dụng cua đồng như: phụ nữ có thai tránh ăn cua đồng bởi cua đồng có tác dụng phá khối u, tống xuất khối cục tồn đọng. Người đau ốm mới khỏe, hệ thống tiêu hóa còn yếu cũng không nên ăn. Người có biểu hiện tỳ vị hư hàn (cảm giác sợ lạnh) cũng cần hạn chế. Nếu bị tiêu chảy, không ăn cua đồng. Gạch cua có nhiều cholesterol, nên người huyết áp cao, bệnh tim mạch cần hạn chế dùng. Khi ăn cua, nên ăn cùng lá tía tô, gừng để làm giảm bớt tính hàn. Cua đồng cũng chứa nhiều sodium và purines nên không thích hợp cho người bị bệnh gút. Những người đang bị ho hen, cảm cúm không được ăn cua. Một số người dễ bị dị ứng với cua, sau khi ăn nổi mề đay khắp người, có thể xử trí bằng phương thuốc Nam gồm hoàng bá 16g, tía tô 12g, ngân hoa 10g, liên kiều 10g,kinh giới12g, sài hồ 12g, đinh lăng 16g, cành châu 16g, cam thảo đất 16g, cỏ mần trầu 12g, cát căn 16g, rau má 16g, bạch thược 12g, chi tử 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần. Tác dụng: chống dị ứng, giải độc, trừ tà.
Tại Việt Nam, từng có một số người dân ở vùng Thanh Hóa, Bắc Giang, Nghệ An… vì muốn dẻo dai trong các cuộc thi đấu vật nên đã uống nước cua đồng sống và bị bệnh sán lá phổi. Loại cua đồng ăn được thường có hai càng to và tám chân. Tuy nhiên, cũng có loại chỉ sáu hoặc bốn chân, phải cảnh giác với loại này. Trong Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh đã lưu ý: “Cua đồng thì kiêng thứ sáu chân hoặc bốn chân, mắt đỏ, bụng dưới có lông, trong bụng có xương, đầu lưng có chấm sao, chân có khoang thì chớ ăn mà hại người, nên cẩn thận”.
Theo Suckhoedoisong
Leave a Reply